Các bài thuốc điều trị bệnh tâm thần theo YHCT (phần 2)
- Bởi : Admin
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
Điều trị các bệnh tâm thần theo y học cổ truyền (tiếp)
2. Cuồng:
b. Hỏa lâm thương âm:
- Triệu chứng: thường sau cơn kịch phát, người bệnh thấy mệt mỏi, yếu, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.
- Phương pháp chữa: tư âm giáng hỏa, an thần.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: lá tre: 16g, sinh địa: 12g, mạch môn: 12g, huyền sâm: 12g, mộc thông: 12g, tâm sen: 8g, cam thảo nam: 8g, đăng tâm: 6g.
Bài 2: bài “Cam thảo đại táo thang” gồm: tiểu mạch: 12g, đại táo: 12g, mạch môn: 12g, sơn thù: 8g, bạch thược: 8g, bán hạ chế: 8g, cam thảo: 6g, trúc lịch: 12ml.
Bài 3: gồm: sinh địa: 12g, huyền sâm: 12g, mạch môn: 12g, táo nhân: 8g, mộc thông: 8g, hoàng cầm: 8g, hoàng liên: 8g, cam thảo: 6g, đăng tâm: 4g.
Bài 4: bài “Hương phụ tứ chế” đem tán nhỏ thành bột mịn. Uống 8g/ngày, uống từ 3 đến 6 tháng.
Bài 5: gồm: nghệ giã: 40g, phèn chua: 40g. Đem tán bột, dùng 6-8g/ngày, dùng liên tục 3-6 tháng.
3. Động kinh:
Trong y học cổ truyền, động kinh được miêu tả trong chứng điên giản, do nhiều nguyên nhân gây nên.
Triệu chứng điển hình: xảy ra đột ngột, ngã lăn, chân tay co giật, sắc mặt xanh nhợt, 2 hàm cắn chặt, sùi bọt mép, thở khò khè, hôn mê, tỉnh dần sau một thời gian ngắn, qua cơn thấy người mệt mỏi.
Tái phát cơn nhanh hay chậm tùy thuộc tình trạng nặng nhẹ của bệnh, động kinh liên tục phải cấp cứu bằng thuốc hoặc phương tiện hiện đại.
Nguyên nhân do bệnh di truyền, tình chí kích động làm giảm sút công năng tâm, can, tỳ dẫn đến mất cân bằng âm dương, khí nghịch, đàm ủng trệ làm tắc các khiếu, hỏa viêm gây phong động sinh ra chứng hôn mê co giật.
Bệnh được chia thành 2 thể: thực chứng và hư chứng.
a. Thể phong đàm ủng trệ (thực chứng):
- Triệu chứng: triệu chứng giống cơn động kinh điển hình, mạch hoạt sác.
- Phương pháp chữa: hóa đàm tức phong, khai khiếu.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: ý dĩ: 40g, bố chính sâm: 20g, trần mễ: 20g, nam tinh sao: 20g, trần bì: 20g, toàn yết: 20g, quế: 4g. Đem tán nhỏ thành bột mịn, dùng 40g/ngày, sau đó lấy chu sa: 2g cho vào tim lợn, hấp cơm hoặc hấp cách thủy cho người bệnh ăn, ăn mỗi tuần 3 lần, ăn trong 3 tuần liền.
Bài 2: gồm: uất kim: 40g, phèn chua phi: 40g, phèn chua sống: 10g. Tán thành bột mịn, uống 4-8g/ngày chia uống 2 lần.
Bài 3: Bài “Định giản hoàn” gồm: đảng sâm: 16g, thiên ma: 12g, mạch môn: 12g, viễn chí: 12g, cương tàm: 12g, phục linh: 12g, đởm nam tinh: 12g, bán hạ chế: 12g, phục thần: 12g, toàn yết: 12g, thạch xương bồ: 8g, bối mẫu: 6g, chu sa: 6g, trần bì: 6g, hổ phách: 6g. Đem tán thành bột mịn, lấy nước trúc lịch, cam thảo, gừng nấu thành cao trộn với bột trên, tán thành viên, dùng 4g/ngày chia thành 2 lần uống. Nên cho uống trước khi lên cơn.
b. Tâm thận tỳ hư (hư chứng):
- Triệu chứng: bị bệnh lâu ngày, tái phát nhiều lần, khi lên cơn thì đầu tối, ngã, chân tay run, miệng kêu, hôn mê, tỉnh thì mệt mỏi, trí lực giảm, sắc mặt kém, lưng gối mỏi yếu, ăn kém, đờm nhiều, rêu mỏng, mạch tế hoãn.
- Phương pháp chữa: bổ tâm thận, kiện tỳ hóa đàm.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: đảng sâm: 16g, thục địa: 12g, kỷ tử: 12g, bạch truật: 12g, long nhãn: 12g, hà thủ ô: 12g, táo nhân: 8g, bán hạ chế: 8g, bá tử nhân: 8g, trần bì: 6g.
Bài 2: bài “Hà xa hoàn” gồm: đảng sâm: 12g, bạch truật :12g, kỷ tử: 12g, hà thủ ô: 12g, bột rau thai nhi: 8g, phục linh: 8g, đan sâm: 8g, viễn chí: 8g, trần bì: 6g, cam thảo: 6g. Người gầy thì thêm mạch môn: 8g, sinh địa: 12g, quy bản: 8g.
Ngoài ra có thể phối hợp châm tại các huyệt thận du, tâm du, tỳ du, thái xung, túc tam lý, phong long, đại chùy. Thực chứng châm tả, hư chứng châm bổ.
Không có phản hồi